Trong công cuộc gây dựng sự nghiệp , phải chăng cũng nên rèn luyện ý chí càng khó khăn càng vươn lên mạnh mẽ? trong quá trình học đạo tu tập, phải chăng cũng nên luôn luôn lấy sự thanh bần làm niềm vui để bảo dưỡng tấm lòng với đạo? Tinh thần của người tín nữ trong câu chuyện này khiến cho mọi người khâm phục, phải chăng chúng ta cũng nên học hỏi tinh thần đó của bà, vì cuộc đời lưu lại một thiên sử bất hủ?
Tiềm năng của con người không có giới hạn , không thể đo đạc được. Những lúc rơi vào tuyệt cảnh, không còn một điểm tựa nào nữa, chính là lúc tiềm năng bộc phát. Chúng ta thấy, có nhiều người vì cuộc sống khó khăn, công vệc làm ăn không thuận lợi, tâm lý mệt mỏi đâm ra chán bỏ cuộc sống, hoặc cùng đường làm liều, hoặc kết thúc sinh mạng. Bọn họ bị ngập chìm trong sự gian khó không nhìn thấy tương lai nên lòng dạ rối bời sinh ra gây gổ với cuộc đời. Bởi vì, họ không nhìn thấy ẩn sâu trong con người họ có một sức mạnh dẻo dai không thể nghĩ bàn được. Giống như sức chịu đựng của ngọn cỏ trước cơn gió mạnh, như cây tùng bách trong cảnh tuyết sương, mềm mại mà vững chãi, chính là vì chúng đã khai thác được tiềm năng của mình. Cũng như ai ai cũng có Phật tánh, chỉ vì bụi trần che lấp nên không thể phát ra ánh sáng mà thôi.
" Bình đầy thì đứng yên, bình nửa thì lúc lắc", nếu học chưa thành mà đã kiêu căng ngạo mạn, không những không thành tựu được cái gì mà còn thể hiện ra sự nông cạn, non nớt của bản thân. Trong muôn vàn sự việc, thành ở chỗ khiêm cung, bại ở chỗ kiêu căng. Khiêm cung , thật thà là thái độ tất yếu của người học nghề và người học trò. Chúng ta nên chăng cũng nên lưu tâm điều này?
Ở đời, có người thì uống thuốc để bồi bổ nguyên khí, có người thì luyện khí công để thân thể khỏe mạnh, có người thì siêng năng thiền định để tâm hồn nhẹ nhàng, có người thì tu tâm dưỡng tánh để trưởng dưỡng đại khí... Thật ra tụng kinh , niệm Phật, đọc sách cũng có thể dưỡng khí, trong lúc tinh tấn chuyên chú tụng kinh niệm Phật sẽ phát triển được chánh khísức khỏe của bản thân. Trong lúc chuyên tâm đọc sách, nhiệt tình đón mọi người cũng giúp ích rất nhiều cho khí phách, ý chí và lòng can đảm của chúng ta.
Câu ngạn ngữ :" Bữa ăn chỉ mô tả bằng lời nói thì không thể no, bánh vẽ không thể đỡ đói ", là lời nhắc nhở chúng ta biết rằng muốn đạt được mục đích, muốn hoàn thành được lý tưởng thì cần phải nói và làm đi đôi với nhau, phải biến lý tưởng thành hành động. Nếu chỉ bàn suông về lý tưởng, chỉ bàn việc binh trên giấy thì lý tưởng cũng chỉ là lý tưởng, không bao giờ trở thành hiện thực được! Có chàng thanh niên nọ, lúc nào anh cũng ao ước làm thế nào đó để " nhất cử thành danh ", nhưng chưa bao giờ làm được một việc tốt nào cả....
Muốn thể hội được đại ý Phật pháp, thấu suốt được bản lai diện mục thì phải tự thân thực nghiệm, tự thân trải nghiệm. Nếu không, ngay cả những gì được nghe, những gì được thấy cũng chỉ là cặn bã của người xưa, chứ đừng nói chi đến sự tu học Phật pháp non nớt của bản thân mình, chỉ như gió thổi mây trôi, không đáng kể chi cả!
Đức Phật cũng thường nói, mạng người vô thường như hạt sương buổi sớm, hơi thở ra tuy còn nhưng khi hít vào khó bảo đảm. Trong cuộc đời ngắn ngủi như thế, chúng ta cần phải tu tập những việc thiện để tự trang nghiêm thanh tịnh, làm chủ được bản thân của mình; dùng giới, định , tuệ, hàng phục con bò cạp trong tâm của mình, tẩy rửa chất độc trên thân mới có thể an toàn vượt qua bờ bên kia.
Phật pháp không có chi lớn lao cả chỉ nằm trong việc mặc áo ăn cơm mà thôi, chỉ vì chúng ta suy nghĩ so đo đủ điều , nên đã bỏ qua cơ hội tốt đẹp để chúng ta có thể ngộ đạo.
Biếng nhác không thể thành công, mạng số dù có tiền, nhưng phải dựa vào sự siêng năng chăm chỉ mới sở hữu được. Dù rằng số trời đã định là sẽ giàu có, nhưng nếu mà cứ ngồi chờ đợi thì miệng ăn núi lở; không biết chăm chỉ cày bừa thì cũng như ôm cây đợi thỏ, đợi đến là khô héo, cây ngã đổ vẫn chẳng thu hoạch được điều gì.
Tình cảm ở thế gian không gì vĩ đại hơn tình thương yêu của cha mẹ. Thân mẫu của ngài Lương Biện vì tìm kiếm đứa con trai của mình mà vượt qua bao núi sâu rừng hiểm, mặc cho chân trời góc biển xa vời vợi, cho năm tháng dài thăm thẳm, mặc cho tóc xanh nay đã bạc trắng, răng đã lung lay bà vẫn không bỏ cuộc. Bà kiên trì với niềm tin sẽ có một ngày được đoàn tụ với người con trai của mình, điều đó giúp cho bà không sợ thử thách của thời gian và ngoại cảnh. Chúng ta phải chăng cũng nên mang tâm trạng và cảm xúc của một người mẹ như thế để hoàn thành nhiệm vụ và lý tưởng mà mình đang đảm đương?