2019-01-21 08:55:06
Sau khi Lưu Bang lên ngôi, có lần bị bệnh, ông truyền chỉ cấm mọi người yết kiến. Nhiều ngày liên tiếp như thế, mọi việc lớn nhỏ trong triều không được tấu trình, văn võ bá quan vô cùng lo lắng, nhưng không ái dám vào cung diện thánh.
Việc này làm cho tướng quân Phàn Khoái bực bội, ông một mình xông vào cung, đến bên giường của vua nói lớn:
- Nhớ lúc trước , khi ngài khởi binh ở huyện Bái thật khí khái anh hùng làm sao, nay thiên hạ đã định, tại sao tinh thần lại ủy mị như thế? Ngài thân mang trọng bệnh không chịu thương nghị việc quốc gia đại sự với các đại thần, suốt ngày chỉ trò chuyện với hai tên thái giám trong cung. Lẽ nào ngài đã quên, năm xưa khi Tần Thủy Hoàng bệnh chết, tên hoạn quan Triệu Cao đã giả mạo di chiếu, sát hại công tử và văn võ đại thần , gieo tai họa cho thiên hạ ư?
Lưu Bang nghe xong lập tức ngồi dậy bước ra khỏi giường, triệu tập quần thần, bàn việc quốc gia đại sự.
Nhờ sự nhắc nhở của tướng quân Phàn Khoái, Lưu Bang kịp thời phấn chấn là vì ông hiểu rõ rằng khi đắc ý , cần phải chừa cho mình một con đường lui, sau đó mới không bị chết vì vui sướng; khi thất ý, cần phải tìm cho mình một lối ra, sau đó trong khó khăn hoạn nạn mới tìm cho mình một sinh kế.Cuộc đời vốn buồn vui lẫn lộn, thuận nghịch đan xen, điều quan trọng là làm thế nào trong biển đời sống gió liên hồi đó bơi qua được bờ bên kia, phát triển trí tuệ để cư xử với đời.
Giống như điều Phàn Khoái nhắc nhở với Lưu Bang vậy, khi được an ổn thì hãy nhớ đến những ngày nguy khó, đó mới là đại trí; trong nguy nan biết đứng dậy đó mới là đại dũng.
Lâm nạn mà không hoảng loạn là bởi vì người trí sống trong sự điềm tĩnh, biết thận trọng, lo lắng. Thời thế có thể tạo anh hùng là bởi vì người dũng trong cảnh dầu sôi lửa bỏng biết tích cực hướng thượng, họ sẽ không để bản thân rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, ngược lại trong sóng gió trùng trùng, họ tự nguyện đào luyện tâm tính và sống một đời sống viên mãn.
( Nguồn sách : Quán Tự Tại – Đại sư Tinh Vân )