2019-01-17 09:12:13
Năm 1995, tôi phải làm phẩu thuật bệnh tim do xơ vữa động mạch tại Bệnh viện Nông dân Đài Bắc. Trước khi mổ, bác sĩ điều trị muốn tôi học một khóa huấn luyện hơi thở: " Lượng khí thở phải trên 2000 ml mới tiến hành phẩu thuật được. Bởi vì sau khi phẩu thuật, phổi dễ bị đờm, cần phải hút sạch đờm, sức khỏe mới khôi phục nhanh hơn. Lượng khí hô hấp của một người bình thường khoảng 1000 ml đến 1500 ml, sau khi mổ năng suất làm việc của phổi sẽ giảm đi một nửa, nếu đờm ở trong phổi quá lâu sẽ dẫn đến viêm phổi. Cho nên, nếu không đạt được tiêu chuẩn từ 2000 ml đến 3000 ml thì chuyện mổ sẻ phải tính sau, an toàn là trên hết".
Nhưng tôi thở một hơi thì đạt đến điểm cao nhất là 4500 ml. Nghe nói chỉ có phổi của vận động viên đẳng cấp mới có khả năng này. Bác sĩ điều trị ngạc nhiên cho rằng tôi có công năng đặc dị hoặc là đã luyện qua phương pháp hít thở. Trong lòng tôi cảm thấy thật hổ thẹn, lúc ngồi thiền niệm Phật thì có nhưng mà hít thở , sổ tức thì lại không hề luyện qua.
Dần dần tôi mới hiểu ra : Tôi xuất gia lúc còn nhỏ , lúc ấy tôi đã tập đọc 260 chữ trong Bát nhã tâm kinh và chú Đại bi trong một hơi, Phật hiệu thì niệm liên miên không dứt. Niệm đến nay đã hơn mấy mươi năm, khí lực tự nhiên sinh ra, năng suất phổi của tôi cũng càng lúc càng lớn.
Dưỡng khí là sự tu dưỡng của con người , rất có ích cho sức khỏe của thân và tâm. Sách Mạnh Tử , phần Công Tôn Sửu quyển thượng nói:" Ta biết những điều người khác muốn nói, nhưng ta chỉ khéo nuôi dưỡng khí hạo nhiên của ta". Khi không đủ thì dễ bực tức , dễ nóng nảy, không thể thành tựu việc lớn.
Ở đời, có người thì uống thuốc để bồi bổ nguyên khí, có người thì luyện khí công để thân thể khỏe mạnh, có người thì siêng năng thiền định để tâm hồn nhẹ nhàng, có người thì tu tâm dưỡng tánh để trưởng dưỡng đại khí...
Thật ra tụng kinh , niệm Phật, đọc sách cũng có thể dưỡng khí, trong lúc tinh tấn chuyên chú tụng kinh niệm Phật sẽ phát triển được chánh khísức khỏe của bản thân. Trong lúc chuyên tâm đọc sách, nhiệt tình đón mọi người cũng giúp ích rất nhiều cho khí phách, ý chí và lòng can đảm của chúng ta.
( Nguồn sách : Quán Tự Tại - Đại sư Tinh Vân )