Hoài bão không sợ nhiều, dũng khí không sợ khó, hãy khởi đầu bằng tinh thần đại nguyện và đại dũng khí của chư Phật và chư Bồ tát: “ Chúng sanh không biên giới thệ nguyện độ, phiền não không cùng tận thệ nguyện đoạn, pháp môn không số lượng thệ nguyện học, Phật đạo không gì trên thệ nguyện thành”, từ đó mới dần dần tích lũy từng chút một từng chút một mà đạt đến mục tiêu. Sự việc càng khó khăn thì càng cần phải nhẫn nại, có khởi đầu thì chắc chắn phải có kết thúc. Xin chớ khờ khạo ngồi ngắm mặt nước hồ rộng mà không biết phải uống như thế nào để rồi làm một kẻ ngu muội chết khát bên bờ hồ.
Nghe pháp cầu đạo, như trong Thành Phật chi đạo chỉ rõ: “ Như gieo hạt giống trên đất, như vật dụng để đựng nước, phải tránh được ba lỗi”. Tâm cầu pháp cũng giống như dụng cụ chứa nước , nếu lật úp lại,không đổ nước vào được; nếu bị thủng đáy, không chứa nước được; nếu vật dụng bị bẩn thì khi đổ nước vào nước cũng sẽ bị biến chất. Cũng như gieo hạt giống, gieo ngoài đất tốt thì chim tha đi mất, trồng nơi cỏ tạp nham thì không cách chi mọc lên nổi. Lượng tri thức, kiến giải Phật pháp quá rộng dẫn đến tình trạng chậu nước bị lật úp không đổ nước vào được, gieo giống không mọc được thì cũng chỉ là việc uổng công vô ích mà thôi.
Giá trị thật sự của lòng từ bi nhân ái, của tinh thần hăng say làm việc nghĩa, của sự nhiệt tình vì lợi ích chung, hoàn toàn không phải là chuyện bàn việc binh trên giấy nói trên miệng là xong , mà phải biến nó thành sức mạnh của sinh mạng, biến nó thành tố chất đặc biệt của nhân cách làm lợi ích cho mọi người mới là điều thật sự thiết thực.
Trong xã hội, nhiều cơ quan đoàn thể, công ty, xí nghiệp có tỉ lệ thuyên chuyển nhân viên rất là lớn, nơi nào không vừa ý thì liền đổi chỗ, thậm chí còn xuất hiện kỷ lục: 1 năm đổi 12 chủ. Phật giáo thì nói về “ an trụ thân tâm “, người xưa thì nói: “ chim khôn lựa cây mà đậu, hiền thần lựa chủ mà phò, tìm được cành cây tốt, người chủ tốt thì mới có thể cống hiến suốt đời. Tìm được một công việc tốt thì phải làm tròn bổn phận của “ một nhân viên không chịu đi”, chứ không phải như mây bay nước chảy, đôi ba tháng thì đã không biết đi về đâu....
Một đời người chẳng qua cũng chỉ là mấy mươi mùa nóng lạnh, rất ngắn ngủi và rất giới hạn.Có câu:” Chúng ta không thể quyết định chiều dài của sinh mạng nhưng chúng ta có thể quyết định được chiều sâu của sinh mạng”. Trong kinh Phật có một mẩu chuyện diễn đạt sự vô thường của sinh mạng giúp chúng ta tích cực nắm bắt những năm tháng hữu hạn của cuộc đời mình.
Hơn hai ngàn năm trước, đức Phật đã sớm bảo rằng:” Con người đã muốn làm , thì phải như đào ao, cứ đào liên tục, sẽ có được nguồn nước, mọi việc phải dần dần, người trí thấy được sự mầu nhiệm, có thể giúp mình , như người bơi giỏi, vượt qua dòng chảy!” Một lòng hướng về mục tiêu, thì tâm sẽ có sức mạnh, sẽ có nguyện lực để hoàn thành được chí nguyện, hoa nở thấy Phật.
Thiền sư Bách Trượng đến tuổi 80, trừ những lúc hướng dẫn tọa thiền, ngài vẫn giữ nguyên tắc:” Một ngày không làm một ngày không ăn”, trồng cây, hái hoa, làm ruộng, khai khẩn, sản xuất… đều đích thân tự làm, chưa từng lười nhác. Chúng đệ tử kính thỉnh Thiền sư, xin ngài ghỉ ngơi để các đệ tử trẻ tuổi làm được rồi. Thiền sư từ chối đáp:” Tôi không có đức để làm khổ mọi người, người sống trên đời, nếu không đích thân lao độnghá chẳng phải đã trở thành phế nhân ư!” Ngài vẫn kiên trì với câu châm ngôn:” Làm Hòa thượng một ngày thì đóng chuông một ngày”.
Trong di kinh Di giáo, đức Phật nói:” Cột tâm một chỗ không việc gì là không làm xong”. Trong kinh Phật cũng thường dạy người rằng: “ Không những trong việc tu tập cần phải nhất tâm, mà làm bất cứ việc gì cũng đều cần phải chuyên tâm nhất ý”, cái gọi là: “ Thành tâm chí thiết có thể khiến cho vàng đá cũng vỡ ra”. Nếu việc gì cũng chần chừ do dự, thay đổi thất thường, muốn đạt được mục đích sẽ tốn rất nhiều thời giờ. Không kể là đi thăm viếng bạn bè hay công tác, tất cả công việc đối nhân xử thế trong cuộc sống, chỉ cần chuyên tâm nhất ý, thật thà làm việc, kiên trì tới cùng thì hiệu quả công việc đạt được sẽ không thể tưởng tượng được.
Muốn biết số vận tương lai của mình là tốt hay xấu, đa số mọi người thường đi xem tướng, đoán mạng. Thậm chí, để thay đổi vận số, có vài trường hợp lại dẫn đến tán thân mất mạng, hao tổn tài của như trên báo chí đã nêu. Mạng số có thể thay đổi không? Theo chân lý “ các hành là vô thường “ của nhà Phật mà nói, mạng số của chúng ta vẫn có thể xoay chuyển được. Chỉ có điều, dựa vào phương thức khấn vái thần linh để được ban thưởng thì cũng giống như việc leo cây mà bắt cá vậy. Ví như bạn làm ruộng, bạn không chịu cày bừa, nhổ cỏ, khai khẩn đất đai, dẫn nguồn nước tưới… dù các bạn lạy các đấng thần linh đến sứt đầu mẻ trán đi nữa thì cũng chẳng thể nào có những hạt lúa chắc mẩm, vàng óng để bạn thu hoạch.
Chúng ta thường suy nghĩ về ý nghĩa và giá trị của đời người ở tận đâu đâu, nhưng có khi nào chúng ta xem thử mọi việc xung quanh mình chưa? Chỉ cần một nụ cười mỉm và một lời thăm hỏi sức khỏe của người khác đã khiến ta cảm thấy vui, ra cửa thì đã có xe ô tô, tàu lửa, máy bay để đi, không phải cuốc bộ ngàn dặm; có công viên , có phòng trưng bày mỹ thuật, có viện bảo tàng lịch sử, có rạp chiếu phim, có thư viện điều tiết thân tâm, tiếp thu các loại kiến thức và thể nghiệm đời sống. Những điều này chẳng phải là ý nghĩa của cuộc đời ư?