2017-12-25 04:24:01
Một cảm xúc stress có thể làm tăng nhịp tim, hơi thở gấp, toát mồ hôi, gia tăng tiết một số tiết tố. Tùy theo cơ thể mỗi người mà stress gây nên những triệu chứng khác nhau như mất ngủ, mệt mỏi, cáu gắt, đau đầu, chán ăn, rối loạn kinh nguyệt. Trong giai đoạn đầu, stress gây nên những triệu chứng về rối loạn thần kinh, rối loạn khí hóa. Lâu dần stress gây nên những tổn thương thực sự như viêm xoang, loét dạ dày… Đặc biệt stress làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể làm trầm trọng thêm các bệnh tiềm ẩn và các bệnh nhiễm trùng. Theo một nghiên cứu những người dưới 60 tuổi có tính nóng nảy thì nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn gấp 3 lần so với người bình thường. Ngược lại, việc hóa giải stress sẽ tác động tốt tới quá trình điều trị một số bệnh mãn tính. Một ví dụ là bà Cary Barbor một chuyên gia điều trị tâm lý, cho biết “trong khi ở những người bình thường, nếu đáp ứng chống trả hoặc bỏ chạy kéo theo sự kích hoạt và tăng tiết chất adrenaline, làm gia tăng nhịp tim và nguy cơ máu đông, ngược lại những đáp ứng thư giãn sẽ làm giảm chuyển hóa, giảm nhịp tim, hạ thấp sóng não và cải thiện những triệu chứng của bệnh tim mạch”.
Hình minh họa: Stress và những triệu chứng gây nên
Hoạt động của hệ thần kinh liên quan chặt chẽ đến hoạt động của cơ bắp. Khi tâm trạng luôn lo lắng vad rối loạn thì những hoạt động sinh lý, nội tạng bị xáo trộn và trương lực cơ bắp cũng gia tăng. Nếu trương lực cơ bắp được điều hòa thì thần kinh cũng được ổn định. Những người bị stress, suy nhược thần kinh, mất ngủ lâu ngày thì trương lực cơ bắp của họ căng cứng hơn bình thường, và tác động ngược lại làm rối loạn thêm hoạt động của hệ thần kinh.
Một trong những phương pháp hữu ích đơn giản có thể giải tỏa được stress là việc kiểm soát hơi thể và day bấm một số huyệt và vùng đặc trị theo Y học cổ truyền nhằm đạt được sự thư giãn cơ bắp và điều hòa thần kinh. Phương pháp được thực hiện theo những động tác sau:
Dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái vuốt cùng phía với tai, vuốt từ trên xuống dưới, vuốt thật chậm và nhẹ. Vuốt khoảng 21 lần. Trên vành tai có rất nhiều huyệt có liên quan đến hệ thống thần kinh, khi tác động vào tai tức là đang tái lập được cân bằng nội môi, điều hòa hệ thần kinh trung ương, hệ thần kinh giao cảm cũng được điều hòa, thúc đẩy khí huyết lưu thông và thư giãn toàn thân.
Dùng hai ngón tay trỏ và giữa vuốt từ đầu chân mày dọc theo xương chân mày ra đến chân tóc phía ngoài đuôi mắt. Vuốt chậm và nhẹ, khoảng 21 lần. Vùng chân mày và cánh tay có những điểm phản xạ tương ứng nhau. Tác động vào chân mày sẽ làm thư giãn cơ bắp giữa vùng cánh tay và bàn tay. Từ hai bàn tay lại có sự quy chiếu nữa ứng với toàn cơ thể nên toàn cơ thể sẽ được thư giãn khi ta tác động vùng chân mày.
Dùng hai ngón tay trỏ của hai bàn tay vuốt cùng lúc hai bên cánh mũi. Vuốt dọc từ giữa hai chân mày dọc theo hai bên thân mũi quá khóe miệng đến tận góc cằm. Vuốt chậm và nhẹ, khoảng 21 lần. Theo Y học cổ truyền kinh Dương minh dọc hai bên cánh mũi và miệng là một kinh đa khí, đa huyết nên tác động kinh này giúp khí huyết lưu thông ra bên ngoài, làm giãn mạch ngoại biên và điều hòa thần kinh giao cảm.
Hình minh họa: Day ấn huyệt chữa giải tỏa stress
Dùng ngón tay trỏ của tay phải ấn day nhẹ vào huyệt ấn đường giữa hai lông mày trong vài giây, day theo vòng tròng khoảng 21 vòng. Tác động vào huyệt này có tác dụng làm tiết chất Endorphine nội sinh, có tác dụng làm giảm đau, giáng khí và an thần.
Đặt nguyên hai bàn tay vào vùng gáy ở sau đầu, sát cạnh phía sau tai. Vuốt nhẹ từ trên xuống dưới. Vuốt khoảng 21 lần. Động tác này tác dụng vào hai kinh Túc Thiếu Dương Đởm và Túc Thái Dương Bàng Quang, vừa kích thích hai huyệt An miên và Thiên trụ, có tác dụng chống khí nghịch, giải tỏa căng thẳng tâm lý và điều trị thần kinh suy nhược.
Sau khi đã thực hành 5 động tác trên hãy ngồi trên một cái ghế có chỗ tựa lưng, hai tay đặt nhẹ trên đùi hoặc nằm xuống nghỉ ở một nơi yên tĩnh, thoáng mát. Trong khoảng thời gian này hãy chú ý quan sát hơi thở bằng cách tập trung tư tưởng ở vùng bụng dưới hoặc phần Đan Điền (dưới rốn 3 phân). Lúc hít vào bụng dưới hơi phồng lên, lúc thở ra bụng dưới hơi xẹp xuống. Lúc mới đầu có thể bạn chưa quen với lối thở bụng. Điều này không ảnh hưởng gì hết. Chúng ta chỉ cần nhớ cơ thể được thư giãn, không quan tâm đến hơi thở sâu hay cạn, nhiều hay ít hơi. Chỉ cần thở nhẹ, bình thường là đủ, quan sát bằng cả tâm ý để biết rằng chúng ta đang hít vào hay đang thở ra thông qua chuyển động lên xuống của phần bụng.
Không nên lo lắng khi tâm bạn bị tản mạn với các ý nghĩ khác nhau. Điều quan trọng là khi chợt nhớ ra chúng ta đang luyện tập để thư giãn thì tiếp tục tập trung lại tư tưởng quan sát chuyển động lên xuống của cơ bụng
Nguồn: Chữa bệnh không dùng thuốc