TÔN VINH VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG. GIỮ GÌN BẢN SẮC ĐÔNG PHƯƠNG.

Hotline hỗ trợ: 0916192199

Đăng nhập bên dưới để thanh toán tiện lợi hơn

Số 3: Phương pháp thực hành thiền căn bản

2020-09-08 16:58:59

Trong cuộc sống đa dạng và không ngừng chuyển động, mỗi người đều có những hoàn cảnh sống của riêng mình. Mỗi người đều phải nỗ lực để hoàn thiện những điều tốt đẹp mà mình mong muốn hướng tới. Cuộc sống thường không phải lúc nào cũng dễ dàng, và luôn vận hành theo những cách khó nắm bắt. Vì chính bản thân chúng ta cũng chưa thể hiểu rõ được mình. Nhưng thật may mắn, tự xa xưa, trong dòng sống đã hiện hữu những phương pháp giúp chúng ta thâm nhập vào nơi sâu xa của bản thể, giúp chúng ta hiểu chính mình và những cách vận động của sự sống. Những phép thâm nhập để thấu hiểu đó được gọi chung với một cái tên: Thiền. Và thế giới ngày nay ngày càng nhận ra lợi ích của nó. Vì thế, thiền không còn là điều huyền bí, xa lạ. Nó đang dần trở thành một phần thiết yếu để cân bằng và làm sâu sắc hiểu biết của chúng ta về bản thân và cuộc sống. Cẩm nang Sống lành hôm nay xin yêu mến gửi tới quý bạn một vài gợi ý về một phương pháp hành thiền, mong có thể giúp các bạn tìm thấy một lối mở cho trí tuệ và bình an. Đây là phương pháp thiền quan sát hơi thở, từ nguồn thiền Minh Sát.

Để thực sự bắt đầu thực hành thiền, chúng ta cần chuẩn bị bản thân mình cho tốt. Đó là lí do hai số đầu tiên của Cẩm nang Sống lành đã tặng các bạn hai chủ đề liên quan đến dọn dẹp nhà cửa và cách để dậy sớm. Mong bạn nhận thấy đó như là những sự chuẩn bị cần thiết để chúng ta có thói quen quản lí tốt không gian và thời gian sống của mình. Khi đó, việc bạn ngồi xuống sẽ dễ dàng và thoải mái hơn. Như đã chia sẻ, việc có được cho mình những thói quen tốt đẹp, hay có thể trở thành một con người sống lành, không phải là một ý tưởng lãng mạn. Nó nên là một quá trình thực tế. Khi bạn sống được với thực tế đó, bạn mới cảm nhận được sự dễ chịu, thảnh thơi như là một quá trình được duy trì ổn định. Việc hành thiền cũng vậy, cũng là một thói quen mới cần tạo dựng, cần vượt qua những khó nhọc ban đầu, và cần duy trì bền bỉ. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, để bắt đầu, các bạn nên thiết lập một thời khoá thiền tập ổn định trong một khoảng thời gian cố định. Hãy thử một tuần với việc ngồi thiền một tiếng mỗi ngày. Khi đã có thời gian biểu ổn định, hãy bắt đầu với từng thời thiền ổn định. Thời lượng cho một buổi thiền được khuyến khích là 60 phút. Bạn có thể chọn việc nâng dần thời lượng thiền qua thời gian, hoặc chọn một thời lượng hành thiền phù hợp với điều kiện sinh hoạt của mình. Nhưng nếu bạn thực sự muốn khám phá những điều mới mẻ, chúng tôi khuyên bạn nên bắt đầu ngay giờ thiền đầu tiên của mình với 60 phút. Khoảng thời gian đó, theo các thiền sư, là vừa đủ để bạn đi sâu vào các đề mục trong một thời thiền. Bạn sẽ bước qua những cảm giác dễ chịu và khó chịu ban đầu. Bạn sẽ có cơ hội nhìn thấy tâm bạn được đặt ngoài những thói quen hành xử thông thường, và dần hiển lộ chân tướng. 60 phút đó bạn sẽ chỉ ở đó, và chấp nhận tất cả mọi thứ diễn ra trong thiền. Đó là cách để bạn chạm vào thực tại của chính mình.

Bây giờ, chúng ta sẽ bắt đầu bước vào kĩ thuật thiền. Trong đời sống hiện đại, chúng ta không thể mơ mộng về hình ảnh các thiền giả ngồi trên núi trong mây, trừ khi bạn quyết định bỏ ra một khoản tiền du lịch để làm chuyện đó. Chúng ta chỉ nên chuẩn bị thật chu đáo cho mình một chỗ ngồi ổn định. Hãy làm thoáng, sạch không gian thiền tập bằng những phương tiện có thể, bằng âm thanh, ánh sáng hay mùi hương dễ chịu, và quan trọng nhất, bằng thói quen ngăn nắp bạn cần luyện tập từ trước. Ở trong góc riêng đó, hãy đặt một bộ thiền cụ yêu thích của mình, một gối thiền, một đệm thiền, có thể với cả màn thiền chuyên dụng, và những trang phục thoải mái phù hợp với việc tập thiền. Đó là những người bạn thân thiết sẽ theo chúng ta đi vào tận sâu và dài suốt hành trình khám phá bản thân. Hãy chào chúng nghiêm trang trước mỗi khi đặt mình vào khoảng thời gian chiêm nghiệm, và hãy cảm ơn các bạn ấy mỗi khi hoàn tất một thời thiền.

Với tư thế ngồi, bạn được khuyến khích ngồi trên một tấm đệm mỏng, mềm và thoáng, để mông, chân và đầu gối không bị chạm vào nền lạnh. Để giữ lưng thẳng một cách tự nhiên, và chân được thoải mái, bạn nên chọn cho mình một chiếc gối ngồi thích hợp. Bạn ngồi xuống trên một nửa phần gối, đảm bảo hai đầu gối chạm sát đệm thiền. Với đôi chân xếp bằng, một bàn chân vắt lên đùi bên kia cho tư thế bán già; hoặc hai chân đan chéo nhau theo tư thế kiết già; hoặc đơn giản xếp bằng hai chân để tự nhiên với hai đầu gối và mông tạo thành ba điểm cân bằng nâng đỡ cột sống. Lời khuyên là bạn không nên cố gắng bắt chéo chân theo những tư thế quá khó khiến việc ngồi thiền lâu gây nhiều đau đớn. Sau khi đã ổn định bàn toạ, hãy quan tâm tới cột sống của mình. Khẽ rướn người lên để lưng được thẳng tự nhiên. Đừng cố kéo nó thành một sự thẳng cứng nhắc, gò bó. Hãy tưởng tượng nó là trục giữa của một kết cấu cân bằng như một kim tự tháp. Cái trục đó không phải gánh vác thứ gì cả, nó chỉ cân bằng ở giữa mà thôi. Mọi thứ cùng giao thoa kết nối để đạt được sự vững chãi, mềm mại. Sau đó, hít căng lồng ngực vài ba hơi thật đầy, rồi từ từ thở ra, thả lỏng tự nhiên, ngực bạn sẽ ở trong trạng thái hài hoà với cơ thể toạ thiền. Bạn nhún vai vài cái nhẹ nhàng để đảm bảo vai không bị gồng cứng theo thói quen, rồi lại thả xuống tự nhiên. Hãy lần theo trục trung tâm của cột sống để đưa đầu và cổ vào trạng thái tốt nhất. Đừng cố gắng giữ nó thẳng một cách cứng nhắc. Hãy giữ nó cân bằng và thả lỏng. Hai bàn tay bạn có thể đặt lên nhau hoặc đặt trên hai đầu gối. Các nghiên cứu cho thấy cảm xúc, suy nghĩ và các biểu cảm khuôn mặt có liên hệ mật thiết với nhau. Không chỉ những cảm, nghĩ ảnh hưởng tới khuôn mặt mà các biểu cảm khuôn mặt còn có thể ảnh hưởng ngược lại những vận hành tâm trí bên trong. Chính vì thế, hãy chuẩn bị một giờ thiền với một khuôn mặt tươi tắn, thả lỏng mọi cơ mặt, và nở khẽ một nụ cười.

Vậy là bạn đã có được những sự chuẩn bị tương đối đầy đủ cho không gian và tư thế hành thiền. Bây giờ, hãy bước vào phương pháp thiền quan sát hơi thở. Tại sao lại cần thiền cùng hơi thở? Các thiền giả từ cổ xưa đều chọn hơi thở để làm phương tiện quan sát bản thể, bởi vì hơi thở là một đối tượng cực kì nhạy cảm. Là thứ ổn định nhất nhưng cũng dễ bị tác động nhất. Là cầu nối của thân và tâm, và luôn phản ánh trung thực phẩm chất của cả thân và tâm. Thân và tâm bạn đang như thế nào, thì hơi thở của bạn sẽ biểu hiện như thế ấy. Chính vì thế, sự chú tâm được khuyến khích bám sát lấy đối tượng này, với yêu cầu nhìn nhận nó trong trạng thái tự nhiên nhất mà không can thiệp bất cứ điều gì vào nó. Đây là pháp thiền quan sát hơi thở chứ không phải là bài tập thể dục với hơi thở. Bạn được yêu cầu quan sát thật tỉ mỉ nhưng không được khiến hơi thở mất tự nhiên, không được kéo dài hơi thở, không được rút ngắn hơi thở, không được để hơi thở biến dạng.

Khi hơi thở đi vào, ta nhận biết sự đi vào của hơi thở. Khi hơi thở đi ra, ta nhận biết sự đi ra của hơi thở. Hơi thở ngắn, ta biết hơi thở ngắn. Hơi thở dài, ta biết hơi thở dài. Hơi thở đang đi vào bằng cả hai mũi, ta biết điều đó. Hơi thở đang đi vào bằng một mũi, ta cũng biết điều đó. Hơi thở như thế nào ta nhận biết như thế ấy. Tỉ mỉ nhất có thể, vô tư nhất có thể. Toàn bộ sự tập trung hãy giới hạn ở một vùng nhỏ từ bờ môi trên đến dọc sống mũi. Vùng chú tâm càng nhỏ, sự chú tâm càng sắc bén. Dần dần, ta sẽ nhận ra được sự xúc chạm của hơi thở với một vài điểm trên đường đi của nó qua ống mũi. Ban đầu, ta nhận biết những điểm xúc chạm rõ rệt nhất của hơi thở và mũi. Càng luyện tập tinh sâu, ta lại càng nhận ra những cảm giác mờ nhạt hơn mà lúc đầu ta không chú ý tới. Ví dụ như cảm giác về nhiệt độ của bờ môi trên mỗi khi hơi thở đi vào và đi ra. Hít vào, ta thấy mát. Thở ra, ta thấy ấm. Hoặc những sự thay đổi rất vi tế tận sâu bên trong xoang mũi mà càng lúc ta càng nhận biết rõ. Hãy tập trung quan sát những đối tượng như thế của thiền. Đối tượng càng nhỏ, sự tinh tế của nhận biết càng lớn. Bạn không những chỉ nên làm điều này trong các thời thiền, bạn có thể luyện tập như trên ở bất cứ nơi nào và lúc nào bạn cần được trở về với chính mình và tìm lại sự an tịnh.

Sau một lúc, tâm trí ta lại lang thang đến những vấn đề khác, nhiều tiếng nói lại vang lên trong đầu. Yêu cầu duy nhất cũng vẫn chỉ là nhận biết. Khi một ý nghĩ khởi lên, ta nhận biết, “nghĩ, nghĩ, nghĩ”. Ta không nắm bắt suy nghĩ đó, cũng không xua đuổi suy nghĩ đó. Mục đích ngồi thiền không phải để nghĩ, mà là để biết. Vậy nên, khi suy nghĩ đến, hãy bình tĩnh nhận biết là suy nghĩ đang đến. Cũng làm thế với các cảm giác khi chúng xuất hiện. Khi cảm giác đau xuất hiện ở đâu đó trên cơ thể hay trong tâm lí, hãy nhận biết, “đau, đau, đau”. Các cảm giác khác như ngứa, buồn, tê,... hay các cảm xúc dễ chịu, khó chịu cũng đối xử như vậy với chúng. Khi một ý muốn xuất hiện, hãy nhận biết ý muốn đó. Đừng chống lại nó, cũng đừng đi theo nó, chỉ cần biết đó là “muốn, muốn, muốn”. Khi những suy nghĩ, cảm giác và ý muốn lắng xuống, hơi thở trở lại rõ rệt, bạn lại đưa sự chú tâm hoàn toàn vào hơi thở. Quá trình này sẽ lộn xộn dần hoặc ổn định dần. Dù thế nào, bạn cũng nhận biết nó một cách đơn thuần và kiên nhẫn. Hãy nhớ, đừng phân tích, đừng phán xét, chỉ nhận biết, nhận biết và nhận biết.

Chỉ với nguyên tắc đó, bạn bắt đầu hiểu thiền đang giúp bạn làm điều gì với chính mình. Đó là luyện tập thói quen quan sát tất cả mọi thứ trong sự vận động tự nhiên của nó. Tránh hai trạng thái, một là không nhận biết được những gì đang diễn ra, hai là can thiệp với những chủ ý mong cầu hoặc chán ghét dẫn đến việc bạn liên tục chối bỏ việc nhìn vào thực tại của chính mình. Đối tượng quan trọng của thiền Minh Sát là hơi thở, vì làm việc được với đối tượng mong manh và dễ biến động như vậy, bạn sẽ có kinh nghiệm làm việc với mọi sự vật, hiện tượng khác trong cuộc sống. Vì thực chất, mọi sự, mọi vật trong cuộc sống, nếu nhìn sâu, chúng ta thấy chúng đều rất mong manh và luôn biến động.

Chúng ta cần đối diện với sự thật đó để huấn luyện tâm trí mình một thói quen sống mới. Qua thời gian và tiến hoá, tâm trí chúng ta thường tìm cách loại trừ sự thật về vô thường và sợ nhìn nhận nó. Đó là lí do của mọi đau khổ: tâm trí không chấp nhận được sự thay đổi vốn luôn luôn. Tâm trí luôn bám vào những ảo tưởng về sự chắc chắn. Việc thiền quan sát hơi thở là cách hữu hiệu để tâm trí được huấn luyện cùng sự mong manh và dễ thay đổi, khiến nó sáng suốt và linh động hơn. Từ đó, giúp chúng ta ở gần hơn với sự thật vốn như nó là.

Sau một khoảng chú tâm, đừng quên kiểm tra lại tư thế và khuôn mặt của mình. Hãy thả lỏng các cơ khi chúng bị căng. Bạn được khuyến khích giữ yên trạng thái cơ thể trong suốt một thời thiền. Đừng dễ dãi với những cử động theo thói quen. Nếu bạn bắt buộc phải cử động như khi bạn quá đau chân hoặc một sự kích ứng da mà bạn không thể không can thiệp, hãy nhận biết từ cảm giác, ý muốn, suy nghĩ đến từng chuyển động nhỏ nhất trong mỗi cử động mà bạn thực hiện trong lúc thiền. Đây là một dịp quan trọng để quan sát nên hãy để nó là sự hãn hữu. Hãy cố gắng giữ cơ thể yên tĩnh nhất có thể. Nếu đủ ý chí, hãy quyết định làm hai điều ngay từ buổi thiền đầu tiên. Hãy ngồi liên tục 60 phút, và trong khi ngồi thì không cử động, trừ những trường hợp bất khả kháng.

Sau khi kết thúc một thời toạ thiền, hãy từ từ nhẹ nhàng mở mắt và chuyển động thật chậm rãi. Đừng vội vàng đứng dậy hay chuyển sang các hoạt động khác ngay. Bạn cần xoa bóp và chăm sóc cơ thể mình ít nhất 10 phút nữa. Bạn nên tham khảo những bài tập xoa bóp cơ thể đơn giản mà bạn thấy phù hợp. Sau đó, bạn sẽ muốn nằm dài ra và thả lỏng tất cả. Trong Yoga có một sự so sánh: khởi động như đi chợ, luyện tập như nấu ăn, và thư giãn chính là lúc ăn. Đừng quên thư giãn hoàn toàn sau khi toạ thiền để hưởng thụ trọn vẹn sự thư thái sau khi đã làm việc cần mẫn. Một điều hết sức quan trọng nữa, đó là hãy đem thái độ và những kinh nghiệm của việc ngồi thiền vào mọi hoạt động của đời sống. Khi đi bạn biết mình đang đi, khi làm gì thì biết rõ mình đang làm cái đó. Khi một cảm xúc xuất hiện, bạn nhận biết sự xuất hiện của nó mà không để nó kéo bạn đi. Bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt rất lớn sau một thời gian thực hành sự chú tâm đó.

Với phương pháp này, việc luyện tập có thể không dễ dàng ngay từ đầu và luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn lâu dài. Nhưng hãy hiểu vì sao bạn chọn phương pháp này. Bởi đây là cách chân thực nhất để bạn hiểu được chính mình. Bạn phải cho phép mọi thứ xảy ra trong sự quan sát tinh tường. Nếu không có những thời thiền, tâm trí của chúng ta luôn luôn bị chồng lớp bởi vô vàn thứ mà sự thật có thể thường xuyên chỉ là ảo ảnh. Thiền là quan sát sự thật nhất đang diễn ra và không để tâm trí bị kéo theo và che mờ bởi các ảo tưởng. Cơ thể chúng ta nếu không được luyện tập cũng luôn ở trong trạng thái mất cân bằng. Chỉ với việc hành thiền, ta mới đem lại được sự cân bằng và minh mẫn cho thân tâm. Như đã nói một điều quan trọng, thiền không phải là nghĩ, thiền là biết. Bạn chỉ cần quan sát tỉ mỉ hơi thở của mình, cơ thể của mình, các cảm giác và những vận động tâm trí trong mình, bạn sẽ có kinh nghiệm về chính mình. Bạn sẽ dần hiểu chính mình theo một cách mà không lí thuyết nào đem lại được. Ngay khi đó, bạn cũng kinh nghiệm về thế giới như nó là. Những kinh nghiệm đó khiến bạn trở nên sáng suốt và giải thoát được mình khỏi đau khổ. Đó hoa trái của thiền. Nếu bạn muốn nó, hãy gieo mình như một hạt giống thiền vào tấm đệm thiền của bạn ngay hôm nay, và nhận biết những sự khác biệt.

Nếu bạn đi qua được, dù khó nhọc, thời gian biểu tập thiền của mình mỗi ngày, mỗi tuần, bạn sẽ có sự thay đổi ít nhất là về thói quen và cảm nghĩ về chính mình. Bạn sẽ tự tin làm được những việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và chú tâm. Bạn sẽ không nhanh chóng đi đến những phán xét hay phản ứng vội vàng. Bạn sẽ trở nên dễ chịu và sáng suốt hơn. Hãy nhớ nguyên tắc của Cẩm nang Sống lành luôn nhắc bạn, có phương pháp đúng cộng với ý chí quyết tâm, bạn sẽ làm được tất cả. Đừng chần chừ, đừng dao động, hãy làm trọn vẹn một việc trong một thời gian được ấn định. Hãy cho chính mình thấy sự thay đổi đáng kinh ngạc khi quyết định bước vào một nếp sống mới đi nào!

Chúng tôi tin tưởng các bạn sẽ thành công!