TÔN VINH VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG. GIỮ GÌN BẢN SẮC ĐÔNG PHƯƠNG.

Hotline hỗ trợ: 0916192199

Đăng nhập bên dưới để thanh toán tiện lợi hơn

KIÊN TRÌ MỘT NIỀM TIN

2018-11-09 08:53:52

Có một tín đồ thưa với tôi rằng:

- Sư phụ, con không niệm Phật nữa.

Tôi hỏi người đó:

- Không phải con đã niệm Phật được 10 năm rồi à, sao bất chợt không niệm nữa?

Anh ta than vãn:

- Cổ phiếu của con mua liên tục bị rớt giá, công ty của con bị phá sản. Niệm Phật được 10 năm rồi, vậy mà Phật A Di Đà không bảo vệ cho sự nghiệp của con được thuận lợi, niệm Phật làm gì nữa chứ?

Hoàn toàn không phải Phật A Di Đà không bảo vệ chúng ta, mà sự phát tâm của chúng ta không chính xác. Xưng niệm A Di Đà Phật là mục tiêu tín ngưỡng, là bồi dưỡng tình cảm tôn giáo của chúng ta, so lại đem Phật A Di Đà ra làm ông thần tài, biến thành người của phòng tài vụ kinh tế chứ?

Cũng có một tín đồ khác đến thưa với tôi:

- Sư phụ con không ăn chay nữa.

- Con ăn chay đã 20 năm, sao bỗng nhiên lại không ăn nữa?

- Từ khi con ăn chay đến nay, thân thể càng ngày càng suy nhược, ăn chay có ích lợi gì đâu chứ?

Thì ra anh ta ăn chay là vì muốn cho thân thể được khỏe mạnh. Muốn cho thân thể khỏe mạnh thì phải vận động nhiều, chú trọng việc bồi bổ dinh dưỡng, chỉ ăn chay không thì làm sao thân thể khỏe mạnh được? Phật giáo đề xướng ăn chay vì lòng từ bi là chính, với ý nghĩa là tôn trọng sinh mạng, trong lòng có " chay" thì từ bi, lương thiện có đầy đủ hết ở trong đó, đó mới chính là điều quan trọng.

Có một số Phật giáo đồ vì tri kiến sai lầm, không có tâm kiên trì, nên thay đổi tín ngưỡng, vứt bỏ việc ăn chay niệm Phật. Cũng có một số tín đồ không cần có tiền hay không có tiền, đời sống có thuận lợi hay không thuận lợi, vẫn nhất tâm nhất ý đặt Phật Tổ ngồi trên đầu mình, dù cho thân đang ở trong nghịch cảnh, vẫn thực hành Phật pháp và nhận được niềm vui trong đạo.

Đã từng có một tín đồ mắc bệnh ung thư hạch tuyến, bác sĩ chẩn đoán anh ta chỉ còn sống được 2 tháng nữa thôi. Anh ta đối diện với việc bị tử thần truy bức, nhưng không oán trách, không thương tâm, không sợ hãi. Anh ta vẫn sinh hoạt như lệ thường. Mỗi ngày 4 giờ 30, anh ta dậy tụng kinh, khi rảnh rỗi thì đến chùa tham gia pháp hội, làm công quả. Hỏi về tình trạng bệnh tật của anh, anh rất thản nhiên, trả lời lấy lệ. Nhưng đối với niềm tin Phật pháp của anh, thì chỉ có thăng hoa chứ không có thối chuyển.

Giữ gìn một nếp sống tín ngưỡng xuyên suốt cả cuộc đời của mình, đạt được niềm tin kiên cố thì trước sau gì cũng gặt hái được sự lợi ích của nếp sống đó. Tin Phật, chính là phải làm cho trong sạch, cho thuần khiết sự kì vọng của bản thân mình vào tín ngưỡng, không mong cầu công danh, phú quý, thuận cảnh và quyền thế, mà chỉ thăng hoa nhân cách, tăng trưởng đạo đức, tự tại giải thoát trong pháp giới Chân như, đó mới thật là điều cao thượng !

( Nguồn sách : Quán tự tại - Đại sư TINH VÂN )