2017-12-28 10:09:50
Suy nhược thần kinh là tình trạng rối loạn chức năng của vỏ não, do tế bào não làm việc quá căng thẳng, sinh ra quá tải và suy nhược, làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và nghỉ ngơi của cơ thể. Tùy theo cơ địa và môi trường sinh hoạt của mỗi người, SNTK có thể biểu hiện bằng nhiều triệu chứng khác nhau như mệt mỏi, dễ cáu gắt, nhức đầu, khó ngủ, đau gáy, hay hồi hộp, lo sợ, kém ăn, táo bón… SNTK kéo dài sẽ dẫn đến hư tổn cả khí lẫn huyết và làm giảm sức đề kháng của cơ thể, là nguồn gốc của nhiều chứng bệnh nghiêm trọng khác, kể cả suy nhược sinh dục, tim mạch, tiểu đường.
Ngoài những trường hợp sinh ra do cơ địa, thần kinh yếu , do tiên thiên bất túc, SNTK gây ra chủ yếu do người bệnh phải trải qua giai đoạn sang chấn tinh thần kéo dài hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần, dẫn đến rối loạn công năng của các tạng phủ, đặc biệt là Tâm, Can, Tỳ và Thận.
SNTK là một bệnh do nội thương thất tình, do tình chí hoặc do căng thẳng tâm lý gây ra. Vì vậy việc người bệnh tự rèn luyện để kiểm soát và giữ thăng bằng tâm lý chính là giải pháp triệt để, là cách chữa tận gốc và ổn định nhất. Thực tế cho thấy liệu pháp tự nhiên đáp ứng rất tốt đối với loại bệnh này.
Luôn có sự tương tác qua lại giữa thần kinh và trương lực cơ bắp và hoạt động nột tiết, nội tạng. Nếu thư giãn được cơ bắp hoặc giải tỏa được những cảm xúc khó chịu thì hệ thống thần kinh giao cảm sẽ được cân bằng, hoạt động nội tiết sẽ được điều hòa và chức năng khí hòa bình thường của các phủ, tạng sẽ dần dần được phục hồi. Do đó những phương pháp thư giãn , ngồi thiền, luyện khí công, yoga, tập dưỡng sinh đều là những biện pháp điều trị hữu hiệu với các chứng suy nhược thần kinh. Các động tác co giãn tối đa của yoga có tác dụng rất tốt để thư giãn cơ bắp và thần kinh và cân bằng nội tiết.
Thiền là những phương pháp buộc tâm vào những đối tượng nhất định nhằm tạo ra hiệu quả ức chế nghỉ ngơi trên toàn bộ vỏ não. Nhiều nghiên cứu của khoa học ngày nay đều cho thấy các phương pháp hành thiền khác nhau đều có tác dụng làm êm dịu thần kinh, giảm lo âu, trầm uất, tăng cường sự tự tin, lạc quan, giúp người tập cải thiện hành vi và dễ hòa hợp với cuộc sống hơn. Ngoài ra “thần tĩnh tất âm sinh”, ngồi thiền còn có tác dụng dưỡng âm và giúp hỏa tự yên vị nên điều trị được các chứng hư hỏa do suy nhược thần kinh gây ra.
Hình minh họa: Thư giãn và ngồi thiền là phương pháp giảm căng thẳng thần kinh
Từ xa xưa, Đông y đã quan niệm Tỳ chủ tứ chi và cơ nhục. Điều này có nghĩa năng vận động thân thể sẽ làm cho khí của Tỳ Vị được kích hoạt. Nếu Tỳ Vị vượng thịnh khí huyết sẽ lưu thông điều hòa, ăn được ngon, ngủ được yên thì con người ắt sẽ cảm thấy phấn chấn, khỏe mạnh. Về mặt khoa học, khi vận động cơ thể sẽ tiết ra chất serotonin và dopamin những chất dẫn truyền thần kinh làm giảm căng thẳng tăng sự hưng phấn.
Ngày nay nhiều nghiên cứu khoa học khác nhau cho biết chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng đến tình trạng tâm lý con người. Những thí nghiệm của các nhà khoa học Scotland cho thấy khi chế độ ăn nhiều acid béo omega 3 có thể làm giảm các chứng trầm uất. Tại Trung tâm dinh dưỡng Scotland cho biết 60% bệnh nhân điều trị trầm cảm tại đây có dấu hiệu bình phục nhờ bổ sung acid béo omega 3 mà không cần dùng đến thuốc suy nhược thần kinh. Các chuyên gia khuyến cáo, mỗi người một ngày nên dùng 25g các loại hạt các chất béo như mè vừng, hạt bí, hạt hướng dương, hạt lanh. Những loại hạt này có chứa nhiều acid béo omega 3, các khoáng chất magie, selen và những sinh tố nhóm B hữu ích cho hoạt động thần kinh.
Hình minh họa: Các loại hạt chứa nhiều Omega 3 giúp chống suy nhược thần kinh
Tình trạng lo âu, trầm uất, chán nản dễ dẫn đến cuộc sống cô lập, không thích quan hệ. Ngược lại khi tham gia sinh hoạt nhóm, phát triển các mối quan hệ với bạn bè, người thân, để cùng quan tâm, chia dẻ yếu tố hữu ích để cải thiện các điều kiện tâm lý. Ngoài ra, ngoài các công việc hằng ngày mỗi người nên theo đuổi một vài thú tiêu khiển lành mạnh cũng là cách để giải tỏa những cảm xúc âm tính và gia tăng chất lượng cuộc sống.
Nguồn: Chữa bệnh không dùng thuốc