TÔN VINH VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG. GIỮ GÌN BẢN SẮC ĐÔNG PHƯƠNG.

Hotline hỗ trợ: 0916192199

Đăng nhập bên dưới để thanh toán tiện lợi hơn

HỌC KHÔNG CHÁN

2019-01-22 07:34:09

Tôi đọc sách, ngẫu nhiên đọc câu chuyện Diêm Nhược Cừ lấy sự cần cù để bù sự thông minh. Nội dung của câu chuyện kể về vị học giả nổi tiếng đời Thanh là ông Diêm Nhược Cừ. Ông sinh ra đã bị ngọng, tính tình chậm lụt. Ông đi học, chỉ một bài văn mà đọc mấy ngàn lần vẫn không thuộc. Mặc dù vậy, ông rất tin vào đạo lý của câu châm ngôn: “ Cần cù bù thông minh”, nên ông càng dốc nhiều tâm sức hơn so với các bạn đồng học. Mãi đến năm 15 tuổi, ông mới đọc thuộc được một đoạn kinh sách.

 

Sách thì đọc thuộc được rồi nhưng nghĩa lý trong sách thì vẫn chưa hiểu được. Vào một đêm đông nọ, trời đã khuya, mọi người đã an giấc, ông vẫn còn ngồi suy nghĩ nghĩa lý trong sách, nhưng khổ nỗi vẫn không tìm được lời giải thích cho phù hợp. Canh bốn trôi qua , khí lạnh càng thêm tê buốt người, Diêm Nhược Cừ hoàn toàn không hay biết, vẫn ngồi bất độngtrước thư án, đăm chiêu suy nghĩ , cuối cùng cũng hoát nhiên đại ngộ.

 

Từ đó về sau, ông trở nên thông minh lạ thường, ông càng nỗ lực nghiên cứu kinh sử nhiều hơn. Ông bắt chước phong cách của các học giả Đào Hoằng Cảnh, Hoàng Phủ Mịch đời Tống, làm một đôi câu đối treo ở thư phòng để tự nhắc nhở mình: “ Điều gì không biết thì rất lấy làm hổ thẹn, gặp bất cứ ai cũng hỏi, không để yên ngày nào”.

 

Suy nghĩ tỉ mỉ, cần mẫn học hỏi, học không biết chán là bí quyết thành công trên con đường học vấn của Diêm Nhược Cừ.

 

 

 

Thời đức Phật cũng có một vị tôn giả chậm chạp Châu Lợi Bàn Đà Già. Dưới sự chỉ dạy từ bi của đức Phật, ngài mỗi ngày chỉ chuyên đọc câu “ cây chổi quét bụi “, cuối cùng cũng vượt qua được rào cản ngu ngốc, tâm trong sáng không còn chướng ngại, chứng được quả A la hán.

 

Trong kinh Trường a hàm, lúc đức Phật bàn luận về sự biếng nhác với Thiện Sanh, ngài nói rằng: “ Suốt ngày không chịu làm gì, mưa nắng lại biếng nhác, việc cần làm thì lơ đễnh, không thể nào thành công. Nếu không kể mưa nắng, trọn ngày siêng năng làm lụng, việc gì cũng thành công, khi chết không lo lắng”. Đúng như Phật đã nói: Phàm mong điều gì , muốn làm gì, dù gian khó bao nhiêu, dù năng lực có hay khộng có, chỉ cần chúng ta sớm tối đào sâu nghiên cứu, nỗ lực hết mình, thiên hạ tuyệt đối không có việc gì là không thể không thành công.

 

( Nguồn sách : Quán Tự Tại – Đại sư Tinh Vân )