2019-01-23 02:21:07
Họa sĩ Lư Lăng Già đời Đường là môn sinh đắc ý của họa thánh Ngô Đạo Tử. Ông sở trường về vẽ tượng Phật và kinh biến ( sử dụng hình vẽ để giải thích nội dung kinh Phật). Phong cách của ông rất gống với bút pháp của Ngô Đạo Tử. Ông rất kính trọng Ngô Đạo Tử, hết mực khiêm cung theo thầy học hỏi. Lư Lăng Già đã từng nhận lời mời của chùa Đại Thánh Từ ở Thành Đô, họa tác phẩm “ hành đạo cao tăng “ trên hành lang phía đông và tây của chùa.
Nhan Chân Khanh đích thân đề chữ trên tác phẩm đó. Bức tranh và nét chữ đều là tuyệt tác nên người đời tôn xưng tác phẩm đó là “ nhị nguyệt”.
Niên hiệu Càn Nguyên đời Đường Túc Tông, Ngô Đạo Tử nhận lời đến vẽ tượng Phật ở chùa Tổng Trì ở Trường An. Lúc đó, Lư lăng Già cũng đến theo dõi. Nhìn họa phẩm của thầy mình, ông nhận thấy kỹ thuật hội họa của mình vẫn chưa được tinh xảo lắm, nên ông càng nỗ lực học tập hơn nữa.
Sau đó, Lư Lăng Già nhận trách nhiệm vẽ bích họa cho chùa Trang Nghiêm. Lần này, ông dốc hết tâm sức, đắn đo, tỉ mỉ từng nét một, thậm chí đến mức quên ăn bỏ ngủ. Do vì quá hao tâm lao lực, thân thể của ông mỗi ngày mỗi suy nhược, gầy ốm. Khi hoàn thành xong tác phẩm thì ông đổ bệnh.
Ngô Đạo Tử nghe tin ông bệnh liền đến thăm. Lư Lăng Già nhìn thầy mình, vừa cảm kích vừa hổ thẹn nói:” Cảm tạ công ơn thầy dạy dỗ, con muốn theo thầy học nghệ cho tốt hơn nữa, nhưng tình trạng của con hiện giờ e là không được rồi!”. Một tháng sau, ông qua đời. Ngô Đạo Tử đến chùa Trang Nghiêm nhìn bức họa của Lư, vô cùng đau xót. Ông nói với mọi người rằng:” Lăng Già vì học theo bút pháp của ta, dụng hết tinh thần, lao lực mà chết!”.
Mặc dù Lư vì dốc hết tâm sức học hỏi, tinh lực cạn kiệt mà qua đời, nhưng tinh thần học tập của ông, không những mang lại địa vị trên họa đàn cho ông mà còn có giá trị cho người đời sau học tập, noi theo.
Trong kinh Phật ở đâu cũng đều khuyên chúng ta cần phải tinh tấn tu tập, như Đại trí độ nói: “ Cố gắng mà làm việc, đào đất sẽ thấy nước, tinh tấn cũng như vậy, không gì không có được, Như nhà nông siêng năng, thu hoạch sẽ phong phú, cũng như ngườ i đi xa, cứ đi sẽ đến đích. Nếu được sanh lên trời, hay chứng được Niết bàn, nguyên nhân của việc này, đều là vì tinh tấn”. Trong Đại thừa lý thú kinh miêu tả: “ Hoa trái trên thế gian, đều do tinh tấn sinh ra, tinh tấn là gốc quý, cần phải nên dõng mãnh”.
Tinh tấn là tinh thần không chỉ người học Phật tu đạo cần phải chuẩn bị đầy đủ, mà người thế gian đối với việc học tập cũng phải như thế, cần phải tinh tấn dõng mãnh không biếng nhác mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ.
( Nguồn sách : Quán Tự Tại – Đại sư Tinh Vân )