2018-11-12 04:04:34
Mỗi dịp cuối năm,vào những ngày giáp tết, trên những con đường rộng lớn hay những con hẻm nhỏ, đều rộn ràng bầu không khí vui vẻ; nhất là vào buổi sáng sớm của ngày đầu năm, mọi người thường có thói quen đến nhà người thân và bạn bè nói lời chúc mừng năm mới cho nhau. Tập tục này bắt nguồn từ một điển cố sau đây:
Truyền thuyết nói rằng:" Niên" là một loài dã thú trên trời, hung hãn không gì sánh bằng, chuyên ăn thịt người. Ngọc Hoàng Thượng Đế chỉ cho phép nó mỗi năm đến nhân gian một lần vào đêm trừ tịch, nếu có người nào đó vận khí không tốt thì sẽ trở thành món sơn hào hải vị của " Niên". Do thế, mỗi khi đến đêm trừ tịch, mọi người sợ hãi hoảng hốt, nhà nhà cửa khóa then cài, không dám ra ngoài.
Mãi đến một năm nọ, mọi người mới phát hiện con " Niên" hung hãn này thường tránh xa một ngôi nhà nọ, thì ra trên cửa chính của ngôi nhà đó có dán một tấm giấy đỏ, và có một phong pháo đang cháy. Sự phát hiện to lớn này cứ thế 1 truyền 10, 10 truyền 100, đến đêm trừ tịch năm sau, nhà nào nhà nấy cũng đều dán tấm, giấy đỏ lên, châm ngòi cho pháo nổ, lúc ấy tiếng pháo vang rền cả hư không, hết hồi này đến hồi khác, hỏa quang chớp nháy trên tấm giấy đỏ, làm cho con người trở nên rực rỡ, con " Niên" bị cảnh tượng bất ngờ đó dọa làm cho hoảng hốt, vội vàng chạy trốn. Từ đó về sau, mọi người đều biết cách xua đuổi con "Niên", họ dán câu đối đỏ, đốt pháo để canh giữ mỗi năm. Năm nào họ cũng sử dụng phương thức này, dần dần trở thành phong tục tập quán mỗi khi sang năm của dân gian Trung Quốc.
Chỉ cần bình an trải qua đêm trừ tịch, đến ngày mồng một tháng Giêng, con " Niên" sẽ không trở lại ăn thịt người nữa, cho nên khi gặp mặt nhau mọi người sẽ nói:" Chúc mừng nha! Anh không bị con " Niên "ăn thịt, chúc mừng, chúc mừng!"
Cũng có thuyết nói rằng:" Niên" là sự giải thích tục cửa ải cuối năm của xã hội Trung Quốc. Để trải qua một năm tốt đẹp, những việc gì chưa làm xong thì phải làm xong; nợ còn thiếu thì phải thanh toán cho xong, thậm chí ngay đêm trừ tịch, chủ nợ còn mang đèn đến trước nhà để đòi tiền. Ngoài ra, người lớn còn phải mua sắm hàng tết, trong nhà dọn dẹp sạch sẽ, trẻ con đòi tiền mừng tuổi, còn phải mặc quần áo mới, đội mũ mới, được ăn những món ngon... Muốn được ăn tết cho hoàn hảo thì phải chuẩn bị rất lâu và rất vất vả, cho nên qua tết rồi giống như qua một cửa ải, rất xứng đáng để được " chúc mừng, chúc mừng!".
Thật ra cửa ải tết không phải một năm mới có một lần. Người sống trên đời, nếu tự mình có thể kiện toàn, chịu động não suy nghĩ, dùng chính đôi tay đôi chân của mình phấn đấu làm việc, trang bị đầy đủ kỹ năng, học vấn, trí tuệ, thậm chí rèn luyện bản thân có khả năng chịu đựng thức khuya dậy sớm, chịu đựng được nóng lạnh, chịu được áp lực, chịu đựng được đói no, chịu đựng được giàu nghèo, chịu đựng được vinh nhục,chịu đựng được vất vả, không có việc gì là không chịu đựng được, gặp việc gì thì dùng nguyên lý" lấy bốn lạng đỡ ngàn cân", như thế mới có thể mỗi ngày đều là tết, không cần việc gì cũng phải lo lắng.
Người ta sống ở đời có thể được bình bình an an thì đó chính là tết, điều đó rất xứng đáng để chúng ta: " chúc mừng! chúc mừng!".
(Nguồn sách: Quán Tự Tại - Đại Sư TINH VÂN )