TÔN VINH VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG. GIỮ GÌN BẢN SẮC ĐÔNG PHƯƠNG.

Hotline hỗ trợ: 0916192199

Đăng nhập bên dưới để thanh toán tiện lợi hơn

Số thứ 2: Cách để trở thành con người buổi sáng

2020-09-08 14:51:27

Số 2: Cách để trở thành con người buổi sáng

Buổi sáng là thời gian an lành, yên tĩnh và đem lại nhiều năng lượng hứng khởi nhất trong ngày. Điều đó chắc ai cũng cảm nhận được. Nhưng để tạo được cho mình thói quen dậy sớm để tận hưởng thời gian tuyệt vời đó, hẳn không phải là việc dễ dàng cho nhiều người trong chúng ta. Nếu bạn có mong muốn thay đổi nếp sinh hoạt để có thể trở thành một “con người buổi sáng”, hãy cùng Cẩm nang Sống lành tham khảo lời khuyên của những người đã thực hiện thành công nhé.

Trước tiên, để hình thành được thói quen mới nào, bạn phải có ý thức về những động cơ khiến bạn muốn thay đổi thói quen cũ. Các chuyên gia sức khỏe cho biết việc thức khuya sẽ gây ra bảy tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe, gồm có: tăng cân; tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch; suy giảm hệ miễn dịch; da xấu; suy giảm trí nhớ, mất tập trung và giảm hiệu suất làm việc; tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần; có những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực.

Nếu bạn nhận thấy mình đã có một vài triệu chứng kể trên, có lẽ đây là lúc bạn cần quyết định thay đổi thói quen thức khuya để bắt đầu một lối sống khỏe mạnh buổi sáng. Bởi vì việc bạn thức dậy cùng lúc với bình minh sẽ đem lại cho bạn ba lợi ích tuyệt vời sau:

Lợi ích thứ nhất: An lành. Hãy thử tưởng tượng bạn chỉ thức dậy 15 phút trước khi đi học hoặc đi làm, bạn sẽ vội vàng, hối hả, và bỏ lỡ khoảng thời gian trong trẻo nhất trong ngày khi vạn vật vừa được phục hồi sau giấc ngủ đêm. Nếu bạn tự luyện tập thức dậy trước 6 giờ sáng, bạn sẽ có một khoảng thời gian quý giá để thưởng thức sự bình an mới mẻ và có nhiều thời gian để chuẩn bị tốt cho ngày mới của mình. Và vì thế, bạn sẽ có nhiều sự an lành trong bản thân.

Lợi ích thứ hai: Nuôi dưỡng. Một con người buổi sáng có được đặc quyền tự chuẩn bị bữa sáng cho mình. Đó là một nghi thức linh thiêng của sự nuôi dưỡng. Bữa sáng ở đây là cả thức ăn vật chất lẫn thức ăn tinh thần. Bữa sáng đầu tiên nên dành cho đôi tai. Hãy chọn một nhạc chuông báo thức cho riêng mình với giai điệu làm bạn cảm thấy nhẹ nhàng, hân hoan. Tiếp theo là cho đôi mắt. Hãy chuẩn bị quanh nơi ngủ những thứ mà khi đôi mắt bạn mở ra những giây đầu tiên, bạn được tiếp nhận thông điệp đáng yêu mà bạn muốn dành cho mình. Đừng bỏ qua một ít phút tĩnh lặng ngồi yên để tâm hồn được hoàn toàn thư thái bước vào ngày mới. Hãy dành cho cơ thể những sự luyện tập đều đặn với những bài thể dục thích hợp. Sau đó là phần quan trọng mà chỉ những con người thực sự thuộc về buổi sáng mới làm được: tự nấu cho mình một bữa sáng ngon lành, giàu dinh dưỡng. Đó hẳn là một thử thách khả năng chăm sóc chính mình. Nếu bạn làm được thì bạn quả là một người sống lành. Và đây là một gợi ý thú vị nữa về một bữa sáng cho tâm trí bạn. Hãy dành thời gian lướt qua các phương tiện lưu trữ để thưởng thức những thông tin, hình ảnh liên quan đến điều bạn mà đang ấp ủ, mơ ước và dự định, để gợi mở cho bạn các ý tưởng mới và tưới tẩm hạt giống mơ ước của mình. Nếu có thể thì hãy làm điều này bên cạnh một tách trà nóng được pha cùng sự yên lặng buổi sáng. Chẳng phải đây là thời gian tuyệt vời nhất để làm việc này sao?

Lợi ích thứ ba: Hiệu suất cao. Lời khuyên ở đây là, hãy vừa làm các hoạt động chăm sóc mình buổi sáng, vừa tiếp nhận những kiến thức, thông tin một cách thụ động. Bạn sẽ thấy, bạn có vô khối thời gian và sự minh mẫn để học hỏi dễ chịu lúc này. Cộng với việc bạn có nhiều thời gian chuẩn bị hơn cho mọi thứ, điều đó hẳn sẽ khiến bạn dành được lợi thế về hiệu quả công việc hơn.

Sau đây là vài gợi ý cụ thể để bạn chuyển hoá được thói quen từ “cú đêm” thành “chú chim dậy sớm”.

Đầu tiên, dù bạn có ý chí cũng không nên ép mình phải thay đổi thói quen ngủ muộn một cách đột ngột. Lời khuyên nên là hãy theo dõi thời gian lên giường của mình, và mỗi tối hãy nâng thời gian đi ngủ của mình sớm lên 15 phút. Dần dần, cơ thể của bạn sẽ thích nghi một cách dễ chịu. Lí tưởng nhất, hãy duy trì cho mình một thói quen lâu dài, không đi ngủ muộn quá 11 giờ đêm, và không dậy muộn quá 6 giờ sáng.

Hãy dành thời gian cuối ngày để lập một danh sách những việc bạn muốn làm vào ngày hôm sau. Điều đó khiến bạn sẽ hứng khởi thức dậy buổi sáng vì những lí do đó hơn. Bạn còn có thể lên cả kế hoạch trang phục cho mình cho ngày kế tiếp, và chuẩn bị sẵn chúng vào đêm hôm trước, đặt cạnh nơi ngủ. Cuộc sống của bạn sẽ có thêm động lực để thức dậy.

Bạn nên thức dậy cùng một giờ mỗi ngày để não bộ được thư thái và không ở trong tình trạng căng thẳng, thấm thỏm.

Hãy tập khước từ việc vô hiệu hoá chuông báo thức chỉ bằng cách đơn giản là để nó xa tầm tay với. Nhạc chuông, như đã nói, hãy chọn một giai điệu làm bạn thấy dễ chịu cho phút đầu ngày, không nên gây kinh động cho bản thân. Bạn sẽ vừa nghe nó trong lúc xoa bóp cơ thể ngay sau khi thức dậy.

Và quan trọng là, dù hoàn cảnh của bạn đang thế nào, hãy cố gắng sắp xếp cho mình một nơi ngủ và cách ngủ dễ chịu nhất có thể, để việc nghỉ ngơi được thoải mái nhất.

Với chừng đó gợi ý, Cẩm nang Sống lành mong bạn có được sức khỏe và bình an nhiều nhất khi mỗi ngày đều có thể thức dậy cùng lúc với mặt trời.