TÔN VINH VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG. GIỮ GÌN BẢN SẮC ĐÔNG PHƯƠNG.

Hotline hỗ trợ: 0916192199

Đăng nhập bên dưới để thanh toán tiện lợi hơn

Số 5: Mười gợi ý giúp bạn bước vào đời sống đơn giản và sáng suốt

2020-09-09 10:43:03

Có một từ chúng tôi muốn gợi ra trong tâm trí bạn. Không gian. Hi vọng bạn cảm nhận được vẻ đẹp của nó. Đó là nơi chứa đựng mọi thứ mà cũng là bản chất cấu thành nên mọi thứ. Không gian là nơi ngập tràn năng lượng. Càng nhiều không gian thì càng có nhiều năng lượng. Năng lượng đó có thể chuyển hoá thành sự sáng tạo lưu thông, thành sự sống nhảy múa. Hãy tưởng tượng đến một căn phòng mà bạn có rất nhiều không gian để nhảy múa trong đó, để nằm dài thưởng thức những mảng màu nhẹ nhàng, lan trải mà không bị đứt đoạn bởi những đồ vật không hoà điệu. Tất cả những gì hiện hữu trong căn phòng đó đều là những thứ bạn yêu thích và thấm đượm hiểu biết sâu sắc về chúng. Đó là nơi bạn có thể nghỉ ngơi sâu lắng nhất, và cũng là nơi bạn có thể làm việc hiệu quả nhất. Đó là phần thưởng cho thói quen của một người đơn giản và gọn gàng. Nhưng như đã chia sẻ trong bài trước về việc hình thành thói quen, bạn phải chia nhỏ lộ trình của mình để thành công từng bước. Chúng ta cũng đã nói về sáu nguyên tắc sắp xếp nhà cửa của Marie Kondo. Nhìn lại, bạn sẽ thấy mình đã đi qua chắc chắn được hai bước đầu, đó là cam kết trở thành người ngăn nắp và tưởng tượng được không gian lí tưởng mà mình sống trong đó. Bây giờ, hãy cùng nhau đi qua bước thứ ba, bước quyết định sự thành công trong việc trở thành một con người đơn giản, sáng suốt và hạnh phúc. Đó là buông bỏ những đồ vật không thực sự cần thiết trong ngôi nhà, và giữ ý thức sáng tỏ trong các quyết định mua sắm. Vì chúng ta đã cam kết với nhau trong phương pháp sống đơn giản này là chỉ bắt đầu sắp xếp nhà cửa sau khi đã quyết định giữ những thứ thực sự cần thiết và đem lại niềm vui và buông bỏ phần còn lại.

Để giúp bạn làm điều này dễ dàng, chúng tôi muốn giới thiệu đến các bạn một con người hạnh phúc và thành công trong nếp sống tối giản, được truyền cảm hứng từ phương pháp sống của Marie Kondo, và cũng là một huấn luyện viên lối sống thú vị không kém, chị Sadia, chuyên gia dinh dưỡng người Canada. Các bạn có thể tìm thấy vô vàn những gợi ý hay về các phương pháp sống hạnh phúc, hiệu quả và thành công trên kênh YouTube Pick Up Limes của chị. Cẩm nang Sống lành hân hạnh được đưa bạn tới một nơi tuyệt vời như thế.

Về vấn đề chăm sóc đồ đạc của mình, chị đưa ra một bộ 10 câu hỏi, trong đó, 5 câu hỏi dành cho các đồ đạc đang có sẵn trong nhà, 5 câu hỏi bạn nên hỏi mình trước khi mua sắm.

Câu hỏi thứ nhất, về tính thực dụng của đồ đạc.
Bạn hãy xem xét một đồ vật và tự hỏi mình có sử dụng nó thường xuyên trong sáu tháng vừa qua không. Nếu câu trả lời có, bạn có thể giữ nó lại. Nếu câu trả lời là không, bạn nên để nó đi. Nhưng nếu đồ vật đó có giá trị cảm xúc với bạn, bạn hãy nhìn sâu vào cảm xúc của mình. Cảm xúc đó có thực sự lành mạnh và giúp bạn nhiều mỗi ngày không? Hay đó chỉ là những sợi dây níu bạn lại quá khứ. Nếu nó níu giữ bạn, lời khuyên là hãy thử một lần mạnh mẽ cắt đứt nó. Bạn sẽ có nhiều không gian để đón nhận những nguồn sức sống mới.

Câu hỏi thứ hai, về tính chính đáng của đồ vật
Bạn hãy xem xét một đồ vật và tự hỏi bản thân, nếu mình đi mua sắm bây giờ, mình có mua thứ này không? Nếu câu trả lời là không, và nó đang chẳng phục vụ mục đích nào đáng kể cho ngôi nhà của bạn, hãy buông bỏ.

Câu hỏi thứ ba, về những đồ vật có cùng công dụng
Bạn hãy xem xét một đồ vật và cân nhắc về việc bạn có nhiều hơn một món đồ phục vụ cùng mục đích. Ví dụ nhà bạn có đến hai cái ấm đun nước, ba cái bàn là trong khi tần suất sử dụng không nhiều đến thế. Có những đồ đạc bạn bắt buộc phải có đồ thay thế ngay trong nhà. Nhưng bạn cũng nên ý thức về thói quen tích trữ sẽ khiến bạn làm mất nhiều không gian cho năng lượng sống. Bạn hãy thử cho đi bớt công cụ và tập xoay sở để nâng cao kĩ năng ứng biến và sáng tạo.

Câu hỏi thứ tư, về tính phù hợp của đồ vật
Bạn hãy xem xét một đồ vật và tự hỏi nó còn phù hợp với mình nữa không, với phong cách sống, với môi trường sống và quan trọng nhất là với con người mà mình đang muốn trở thành. Đây là sự tập luyện thói quen ý thức về chính mình. Nếu để tâm tới mình kĩ lưỡng và thường xuyên, bạn sẽ thấy mình thay đổi mỗi ngày. Có nhiều thứ không còn phù hợp với mình nữa. Hãy buông bỏ chúng nếu thấy không còn phù hợp. Đừng ngại ngần lưu chuyển những đồ vật để sự mới mẻ luôn đi cùng bạn.

Câu hỏi thứ năm, về những đồ vật đã hỏng
Khi xem xét một đồ vật đã hỏng, bạn thường có tâm lí xót xa và tự hứa với lòng một ngày nào đó sẽ sửa nó. Nhưng bạn nên tự đặt một hạn thời gian cho mình rằng hãy nghiêm túc thực hiện lời hứa đó với đồ vật chỉ trong hai tháng. Nếu quá hai tháng bạn vẫn không sửa chúng, có thể bạn không thật sự quan tâm đến chúng như bạn nghĩ. Và vì thế mối quan hệ giữa bạn và chúng đã nhạt nhoà. Hãy nghĩ đến việc giải thoát cho chúng.

Sau đây là 5 câu hỏi trước khi bạn mua sắm.

Câu hỏi thứ sáu, bạn cần mua nó hay muốn mua nó?
Cần là nhu cầu, còn muốn là sở thích. Không có gì sai khi bạn tự thoả mãn nhu cầu và sở thích của mình. Nhưng hãy lắng nghe những động lực đó trong mình thật rõ ràng. Khi xem xét một vật cần mua, hãy nhớ lại câu hỏi thứ hai và thứ ba về những đồ vật có sẵn trong nhà. Nó có chính đáng không, và đã có đồ vật nào trong nhà mình có cùng công dụng mà không thiết phải có thêm một thứ nữa như thế không? Còn nếu bạn muốn mua một thứ gì đó, hãy chỉ làm thế khi mình thực sự thích nó. Nó phải làm bạn thực sự vui và ngay từ đầu, bạn đã nhận ra một sự kết nối thân thiết với nó.

Câu hỏi thứ bảy, bạn có thể chờ một tuần rồi mới mua nó được không?
Đừng để những nhãn hàng lôi kéo bạn đi ngay từ phút đầu tiên. Nếu bạn có thể trì hoãn một tuần cho việc mua một món đồ, nó hẳn giúp bạn hiểu rõ chính mình và tự chủ tốt hơn. Có thể chỉ sau vài ngày, bạn đã quên món đồ đó rồi, có nghĩa bạn không thực sự cần nó lắm. Hoặc vài ngày sau, bạn tìm được một lựa chọn tốt hơn cho mình.

Câu hỏi thứ tám, bạn có thể thay thế một đồ mới mua với một thứ có sẵn trong nhà không?
Đây là bí quyết để giữ căn nhà của bạn gọn gàng và nhiều không gian. Nỗ lực buông bỏ để có ít đồ đạc của bạn có thể sẽ tan biến chỉ sau vài lần mua sắm. Hãy lên kế hoạch từ trước về việc nếu mua thêm một đồ đạc về nhà, hãy nghĩ đến chuyện cho đi một đồ có sẵn. Suy nghĩ đó khiến bạn phải cân nhắc trước bất kì ý định mua sắm nào.

Câu hỏi thứ chín, cân nhắc về giá cả
Bạn có thực sự cần mua một thứ với giá đắt gấp đôi giá trị thực của nó? Hãy tỉnh táo để đánh giá về giá trị và nhu cầu của bạn, đừng để sự hào nhoáng của quảng cáo đánh lừa. Bạn cũng đừng để việc giảm giá làm bạn mất tự chủ. Hãy nhớ, mọi thứ đều giảm giá 100% nếu bạn không mua nó.

Câu hỏi thứ mười, bạn có thể mượn, thuê thay vì mua?
Hãy cân nhắc đến điều này khi bạn không cần đồ đạc gì sử dụng quá chuyên nghiệp và thường xuyên. Điều đó khiến bạn bớt không gian cho việc tích trữ và tiết kiệm được nhiều tiền bạc.

Nếu bạn thực sự muốn bắt đầu một nếp sống mới để cảm nhận vẻ đẹp và sức sống của không gian thênh thang, bạn nên tự nhắc mình 10 điều trên mỗi khi sắp xếp đồ đạc hay đi mua sắm. Theo Marie Kondo, nên phân biệt hai hành động thường được hiểu chung là dọn dẹp, đó là sắp xếp và lau chùi. Bởi vì sắp xếp là làm việc với đồ đạc, còn lau chùi là làm việc với bụi bẩn. Làm việc với đồ đạc là làm việc với chính mình, với những quyết định của mình. Đồ đạc không thể tự sinh ra trừ khi ta quyết định cho chúng đến. Làm việc với bụi bẩn là làm việc với lẽ tự nhiên. Bụi bẩn đến không hoàn toàn do quyết định của ta, nhưng ta lại luôn phải lưu tâm để làm sạch chúng. Đó là hai phép thiền trong đời sống thường nhật, sắp xếp và làm sạch. Nếu bạn làm được, bạn sẽ sớm hoàn thiện một không gian đẹp đẽ trong ngôi nhà và trong tâm hồn bạn.

Thương mến chúc bạn thành công!